Nghề mộc ở Thị trấn Ngô Đồng
“Giao thông đến đâu, làm giàu đến đấy”. Từ khi các trục đường huyết mạch đi qua địa bàn Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) được đầu tư lớn cải tạo nâng cấp, nhiều ngành nghề kinh tế đã được tạo động lực để phát triển nhanh chóng, trong đó có nghề mộc.
Người được cho là có công mang nghề mộc về Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) là ông Bùi Văn Hải, tổ dân phố số 6, năm nay vừa bước sang tuổi 62. Ông Hải vốn là công nhân kỹ thuật được đào tạo nghề mộc khá bài bản để đi theo các đoàn chuyên gia của Liên Xô (cũ) sang giúp Việt Nam khắc phục hậu quả, tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đến năm 1990, ông Hải về quê nhà lo kinh tế gia đình. Ông mở xưởng mộc nhận đóng các loại vật dụng phổ thông như bàn, ghế, giường, tủ để phục vụ nhu cầu của bà con trong xã. Mở xưởng, ông Hải nhận thêm một số thợ phụ vừa giúp việc vừa dạy nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, một trong số đó là anh Bùi Thái Dũng cũng ở tổ dân phố số 6. Sau vài năm học nghề cơ bản ở ông Hải, anh Dũng đi bôn ba khắp các tỉnh, thành phố trong Nam, ngoài Bắc, vừa tìm việc làm, vừa nâng cao tay nghề. Năm 2007, anh Dũng trở lại quê hương, tận dụng diện tích vườn nhà để mở xưởng mộc. Có tay nghề lại chịu khó học hỏi những mẫu mã mới hợp thị hiếu của khách hàng nên sau một thời gian ngắn, các sản phẩm của anh Dũng đã chiếm được lòng tin của người dân trong vùng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm vừa tái đầu tư, có lãi đến đâu anh Dũng lại dùng để mua sắm dần các loại máy móc hỗ trợ như: máy bào, máy vanh, máy xẻ, máy cuốn và hàng loạt công cụ cầm tay khác với tổng trị giá đến 500 triệu đồng. Nhờ có máy móc, sản phẩm ngày càng có uy tín vì thời gian hoàn thành nhanh, lại nét, đẹp, khách hàng đông, anh làm không hết việc. Một mình làm không xuể, lúc này người có nghề mộc cũng nhiều, anh Dũng nhận thêm một số lao động địa phương phụ việc.

Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất của anh Dũng đã khẳng định được uy tín, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ phổ thông đến cao cấp như: bàn ghế, giường, tủ, sập, tranh khắc gỗ và các sản phẩm mộc nội thất phục vụ các công trình xây dựng (cửa, cầu thang, ván sàn, trần…). Cơ sở của anh hiện có 8 thợ chính với mức lương 250 nghìn đồng/người/ngày (nuôi cơm bữa trưa) và hàng chục lao động thời vụ (đánh giấy ráp, phụ việc) với mức lương từ 120-150 nghìn đồng/người/ngày. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh Dũng tiêu thụ từ 20m3 gỗ trở lên, sản xuất khoảng 100m2 cửa (cửa sổ, cửa chính) và từ 10-15 bộ bàn ghế, giường, tủ… Không chỉ sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu của nhân dân, cơ sở của anh Dũng đã đủ năng lực nhận và hoàn thành nhiều hợp đồng thi công nội thất xây dựng phần gỗ cho các công trình lớn trị giá từ 400 triệu đến 1,5 tỷ đồng như trụ sở làm việc của Thị trấn Ngô Đồng; các trường THCS, tiểu học của thị trấn và mới đây nhất là công trình nhà làm việc của Sở Nội vụ tỉnh… Khoảng chục năm trở lại đây, kể từ khi các công trình giao thông quan trọng như: Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489 và hệ thống đường trục huyện được đầu tư xây dựng hoàn thành, kết hợp thực hiện định hướng phát triển kinh tế của lãnh đạo địa phương, nghề mộc ngày càng phát triển mạnh. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Giao Thủy, Đảng ủy, UBND Thị trấn Ngô Đồng xác định: cùng với khai thác lợi thế địa lý để phát triển thương mại - dịch vụ; phát triển sản xuất CN-TTCN là biện pháp trọng tâm để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Khi được Trung ương, tỉnh đầu tư cải tạo, thi công các công trình giao thông lớn qua địa bàn, UBND thị trấn đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân nhanh chóng hoàn thành công tác GPMB, tạo điều kiện cho đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình. Bên cạnh đó, UBND thị trấn cam kết tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho người lao động qua các “kênh” khuyến công, Đề án 1956… Chỉ tính riêng về nguồn vốn, đến hết năm 2015, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn thị trấn đã đạt 120 tỷ đồng. Với chủ trương đúng đắn và những biện pháp hỗ trợ tích cực, đồng bộ, nghề mộc ở Thị trấn Ngô Đồng đã phát triển mạnh với hàng chục cửa hàng, “siêu thị” đồ gỗ hoạt động nhộn nhịp không chỉ giúp phát triển nghề của địa phương mà còn làm đại lý thu gom tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất ở các xã: Hoành Sơn, Giao Tiến, Giao Hương… Tiêu biểu như các cơ sở sản xuất, tiêu thụ của các ông: Cao Văn Mạnh, Bùi Khắc Thiệu, Nguyễn Văn Chi… Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở làm nghề mộc của thị trấn đã mạnh dạn nhập “hàng phôi” từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng La Xuyên (Ý Yên),  Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Phú Xuyên (Hà Nội)… để về hoàn thiện sản phẩm. Ông Bùi Khắc Thiệu, chủ cơ sở Thái Lan Trung ở tổ dân phố số 1 cho biết: Cơ sở đã sản xuất ổn định từ năm 2006 chuyên sản phẩm giường, tủ, cửa… mỗi tháng tiêu thụ khoảng 5-6m3gỗ. Riêng các sản phẩm bàn ghế (kiểu cổ, kiểu mới) thường nhập hàng thô từ các làng nghề có tiếng về để gia công hoàn thiện theo yêu cầu khách hàng như: đánh giấy ráp, tỉa lại hoa, lắp ráp, sơn… rồi mới bày bán. Tiền công của thợ lắp ráp khoảng 3 triệu đồng/bộ (6-7 món); có những bộ cầu kỳ, nhiều món như bộ bàn ghế gỗ hương đỏ trị giá 150 triệu đồng thì riêng công lắp ráp đã mất 40 triệu đồng.


Sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ tại cơ sở của anh Bùi Thái Dũng, tổ dân phố số 6, Thị trấn Ngô Đồng.

Với mức thu nhập từ 120-250 nghìn đồng/ngày, thu hút khoảng 300 lao động thường xuyên, mỗi năm, nghề mộc mang lại nguồn thu nhập “cứng” cho người dân Thị trấn Ngô Đồng khoảng 1,5-2 tỷ đồng tiền công lao động. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Doãn Công Kỳ, Chủ tịch UBND Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) cho biết: Tuy không phải là nghề cổ truyền mà mới hình thành và phát triển khoảng 30 năm trở lại đây nhưng đến nay toàn thị trấn có khoảng 25 cơ sở lớn (quy mô từ 8-10 lao động/cơ sở trở lên) và hàng chục cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư tham gia sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Nghề mộc đã thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 lao động với mức thu nhập từ 4-6,5 triệu đồng/người/tháng. Vì thế, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thị trấn Ngô Đồng chủ trương tiếp tục tạo điều kiện tối đa để phát triển mạnh nghề mộc cùng các nghề tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm 40% cơ cấu kinh tế của thị trấn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1